Lượt xem: 1136

Trồng màu trên nền đất lúa, cho năng suất cao, lợi nhuận tốt

Trong vài năm trở lại đây, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp dẫn đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tiến sâu vào nội đồng, nên việc canh tác lúa của bà con nông dân sản xuất lúa vụ 3 ít đem lại hiệu quả về kinh tế. Theo đó, dựa trên cơ cấu mùa vụ canh tác lúa của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu mùa vụ sản xuất lúa 2 vụ/năm và trồng cây màu dưới chân ruộng (thay thế trồng lúa vụ 3) để thích ứng biến đổi khí hậu và tăng thu nhập tại nông hộ.

 


Cánh đồng lúa trên địa xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị khi không xuống giống lúa vụ 3, nhiều bà con nông dân đã đưa cây màu xuống chân ruộng. Ảnh: Thúy Liễu

 

    Chúng tôi có dịp đến tham quan cánh đồng trồng màu dưới chân ruộng của bà con nông dân xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng vào ngày trung tuần tháng 3, không khí tại khu vực cánh đồng khá nhộn nhịp, bởi có rất nhiều bà con nông dân đang tập trung để tưới nước cho rẫy màu của gia đình đang giai đoạn sinh trưởng. Qua quan sát, chúng tôi  thấy diện tích trồng nhiều là dưa hấu và dây bí đao xanh.

    Ông Lâm Hiền, ấp Kiết Lợi, xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị cho biết ông đã đưa cây màu xuống trồng dưới chân ruộng hơn 20 năm và loại cây trồng chủ lực là dưa hấu. Thời điểm mới bắt đầu trồng dưa là vào dịp Tết Nguyên đán để cung ứng thị trường Tết, nhưng 5 năm trở lại đây, ông chuyển sang trồng dưa hấu vụ nghịch, đó là khi thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân sớm, thì mới xuống giống trồng dưa hấu để kịp cho vụ lúa Hè Thu trong năm, nhằm đảm bảo cho việc sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ màu.

    Cũng như những vụ mùa dưa hấu của các năm trước, vụ dưa hấu năm 2023 sau khi thu hoạch xong lúa Đông Xuân sớm (năm 2022 - 2023), ông Hiền tiến hành cải tạo ngay 9 công đất để gieo hạt dưa hấu (ngày mùng 9 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023) đến thời điểm hiện tại, dưa tăng trưởng rất tốt và đang cho trái.

    Ông Lâm Hiền cho biết: “Nhờ trồng dưa hấu dưới chân ruộng mà suốt nhiều năm qua đời sống gia đình tôi luôn sung túc và ổn định. Theo tính toán thực tế, dưa hấu có lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Chỉ riêng vụ dưa hấu trong năm 2022, với 9 công đất trồng dưa hấu cho năng suất trái là 36 tấn, giá bán 5.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận thu về hơn 150 triệu đồng. Hiện tại vụ dưa hấu năm 2023 của tôi đang cho trái, ruộng dưa phát triển rất tốt, nhờ thời tiết thuận lợi, dự đoán dưa sẽ cho năng suất khoảng 5 tấn trái/công, ước tổng sản lượng thu về là 45 tấn trái, nếu dưa có giá bán từ 5.000 đồng - 6.000 đồng/kg, trừ chi phí tôi sẽ có số tiền gần 200 triệu đồng”.

    Cũng là hộ dân đưa cây màu xuống chân ruộng hơn 10 năm qua để thay thế cây lúa không xuống giống vụ 3, ông Lâm Tha, ấp Trà Do, xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị chia sẻ: Mặc dù trồng màu cực hơn so với trồng lúa nhưng bù lại lợi nhuận kinh tế cao gấp nhiều lần. Thực tế 1 công trồng dưa hấu thu về lợi nhuận từ 20 - 25 triệu đồng/vụ (hơn 60 ngày từ trồng đến thu hoạch), còn trồng lúa 1 vụ (hơn 90 ngày từ xuống giống đến thu hoạch) lợi nhuận cao lắm là 2,5 triệu đồng/công. Tuy nhiên, nông dân chúng tôi vẫn gắn bó với cây lúa, chính vì vậy mà vẫn canh tác 2 vụ lúa và chỉ trồng 1 vụ màu, thay cho trồng lúa vụ 3.

    Ông Tha cho biết thêm, trong nhiều năm đưa cây màu xuống chân ruộng thì có năm ông chọn trồng dưa hấu, có năm chọn trồng bí đao xanh. Trong năm 2023 này, ông trồng bí đao xanh cũng đã đem về nguồn thu nhập rất tốt. Cụ thể, với diện tích 2 công trồng bí đao xanh (xuống giống sau Tết Nguyên đán) và đến thời điểm hiện tại, bí đao xanh đã cho thu hoạch được nhiều đợt (bí đao từ trồng đến thu hoạch khoảng 60 ngày). Khi bí đao cho trái sẽ thu hoạch được mỗi ngày, bình quân 2 công bí đao mỗi ngày hái được hơn 200 kg và bí đao sẽ cho thu hoạch trong khoảng thời gian dài hơn 2 tháng, chỉ đến khi cải tạo đất xuống giống vụ Hè Thu (tháng 4, 5/2023) mới thu dọn bỏ đi. Dự kiến, với diện tích 2 công trồng bí đao xanh, ước tính thu hoạch trên 10 tấn trái, giá bán từ 7.000 - 10.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận hơn 80 triệu đồng. Dự định trong vụ mùa đưa màu xuống chân ruộng năm 2024, ông Tha sẽ nâng diện tích trồng bí đao xanh lên 4 công đất, để tăng sản lượng bí cung ứng trên thị trường và tăng thu nhập cho gia đình.

    Thống kê trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, tổng diện tích trồng màu dưới chân ruộng trong năm 2022 là 1.659 ha. Trong năm 2023, diện tích xuống giống cây màu dưới chân ruộng đến thời điểm hiện tại là hơn 644 ha với các loại màu được trồng nhiều là cây dưa hấu, bí đao xanh, hành lá, rau cải các loại, khổ qua, dưa leo… Cây màu trồng dưới chân ruộng chi phí đầu tư không nhiều, bởi vì ít gặp các loại dịch bệnh, cùng với đó hộ dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học nên năng suất màu rất tốt và giá bán đảm bảo cho bà con nông dân có lợi nhuận tốt sau thu hoạch.


Ông Lâm Tha, ấp Trà Do, xã Lâm Kiết (Thạnh Trị) rất phấn khởi khi mùa vụ trồng bí đao xanh dưới chân ruộng năm 2023, cho thu nhập ước hơn 80 triệu đồng/2 công đất. Ảnh: Thúy Liễu

 

    Đồng chí Trần Vĩnh Nghi - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng thông tin: Để cây màu trồng dưới chân ruộng đạt năng suất cao, chất lượng tốt, bà con nông dân cần cải tạo đất và làm rãnh nước với mục đích trữ nước tưới cho rau màu, cũng như tiêu thoát nước nếu xảy ra hiện tượng mưa trái mùa. Đặc biệt, đối với cây dưa hấu, bà con nông dân cần chú ý một số bệnh thường gặp như: Sương mai, bọ trĩ, sâu ăn lá, bệnh thán thư… nhằm có biện pháp phòng và trị bệnh kịp thời.

    Nhiều năm qua, việc đưa cây màu xuống chân ruộng, thay thế trồng cây lúa vụ 3 đã đem lại nguồn thu nhập rất tốt cho bà con nông dân tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Do đó, để đảm bảo lợi nhuận cho hộ khi đưa cây màu trồng dưới chân ruộng, trước khi gieo trồng màu bà con nông dân có thể tham khảo ý kiến của ngành chuyên môn hay địa phương về loại rau màu trồng tiêu thụ tốt trên thị trường, nhằm giúp cây màu có đầu ra ổn định. Cùng với đó, bà con nông dân nên áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác màu, nhất là tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học cung cấp cho cây màu trong quá trình cây sinh trưởng, vừa giúp cây màu tăng năng suất, vừa cải tạo đất cũng như góp phần để mùa vụ lúa kế tiếp cho năng suất cao.

Thúy Liễu



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 63
  • Hôm nay: 9093
  • Trong tuần: 76,413
  • Tất cả: 11,860,602